Lâm Hoàng Trúc: Viết tiếp giấc mơ đưa truyện tranh Việt ra thế giới

Vốn là một thị trường chưa lớn mạnh về truyện tranh, nhưng những năm gần đây Việt Nam đã nổi lên như một “ngôi sao mới” với nhiều tác giả trẻ tài năng và nhiều bộ truyện tranh thú vị, được cộng đồng quốc tế yêu thích. Điều đáng quý là nhiều tác giả đã nỗ lực đưa văn hóa, cuộc sống Việt vào những bộ truyện tranh thuần Việt, giúp độc giả có thể vừa giải trí vừa khám phá những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc... của Việt Nam.

Một số truyện tranh của Việt Nam đã được nhà làm sách nước ngoài mua bản quyền, xuất bản. Mới đây nhất, truyện tranh Mùa Hè bất tận (ra mắt năm 2021) của tác giả Lâm Hoàng Trúc được Nhà xuất bản Toshokan (Italy) mua bản quyền và lên kệ tại Italy.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với tác giả Lâm Hoàng Trúc về hành trình đưa truyện tranh Việt Nam tới bạn đọc nước ngoài.

Truyện tranh Mùa Hè bất tận (ra mắt năm 2021) của tác giả Lâm Hoàng Trúc được Nhà xuất bản Toshokan (Italy) mua bản quyền và lên kệ tại Italy.

Xây dựng thương hiệu truyện tranh Việt ở Italy

Xin chị cho biết cơ duyên nào khiến Mùa Hè bất tận được Nhà xuất bản Toshokan của Italy biết đến và lựa chọn xuất bản?

Tác giả Lâm Hoàng Trúc: Mùa Hè bất tận là tác phẩm được tôi nung nấu, xây dựng nhân vật rất lâu để có được sự chặt chẽ và có sự phát triển tự nhiên, hấp dẫn. Sau đó, tôi viết kịch bản mất khoảng một tháng, vẽ xong thì khoảng 1 năm. Hiện nay, Mùa Hè bất tận bản tiếng Việt đã được in 2 lần, tổng cộng khoảng 7.000 bản.

Năm ngoái, Tổng biên tập của Nhà xuất bản Toshokan đã chủ động gửi tin nhắn cho tôi qua Messenger, lúc đó tôi cứ tưởng spam hay lừa đảo gì đấy. Thế nhưng sau đó, Tổng biên tập của Nhà xuất bản Toshokan tiếp tục gửi tôi catalogue của nhà xuất bản để tôi tham khảo những dự án họ đã làm, những tác phẩm truyện tranh mà họ đã xuất bản. Tôi cũng tìm thông tin về đơn vị này trên mạng, sau khi chắc chắn rằng nhà xuất bản này có thật thì tôi mới yên tâm làm việc với họ.

Sau đó thì chúng tôi hợp tác rất suôn sẻ, tôi gửi truyện bản PDF cho họ đọc, rồi ký kết hợp đồng. Khoảng nửa năm sau là tác phẩm ra mắt ở Italy, cũng không có vấn đề gì trong kiểm duyệt cả. Quy trình làm việc nhanh chóng này là kết quả của chặng đường gian khổ trong sáng tác, vẽ, dịch thuật và sự trau chuốt cẩn thận cho tác phẩm từ trước đó.

Trong quá trình xuất bản tác phẩm Mùa Hè bất tận sang thị trường nước ngoài, chị đã gặp phải những khó khăn gì?

Tác giả Lâm Hoàng Trúc: Tôi chỉ có một vài rào cản nho nhỏ trong quá trình đưa tác phẩm ra nước ngoài, đó là ngôn ngữ và khác biệt văn hóa.

Tôi đã cho dịch tác phẩm ra tiếng Anh để tiện quảng bá đến với nhiều nước khác nhau, đối với người Italy thì cũng không có trở ngại nhiều vì các nước châu Âu đã quen với việc sử dụng nhiều ngôn ngữ trong cuộc sống. Tuy nhiên, bản dịch tiếng Anh cũng không thể hoàn toàn thể hiện được 100% tinh thần của truyện gốc, nhất là khi dịch lời cho các bài hát được nhắc đến trong truyện. Chủ yếu là sẽ dịch dựa trên ý nghĩa của lời ca mà thôi. Khi truyện đã dịch sang tiếng Italy rồi thì tôi lại không có khả năng kiểm tra lại.

Còn về sự khác biệt văn hóa thì thật mừng vì gần như không có chi tiết nào khó hiểu đối với người Italy cả. Nếu có gì cần phải chú thích nhiều thì là những tác phẩm văn học được giảng dạy trong trường lớp của Việt Nam mà tôi đã đưa vào trong truyện.

Tôi cũng nhận thấy một điều cũng hơi chạnh lòng, đó là vẫn còn rất nhiều người nước ngoài không biết gì về nước mình ngoài chiến tranh. "Mùa Hè bất tận" xuất hiện ở Italy đã làm cho nhiều bạn đọc ở đó ngạc nhiên là ở Việt Nam cũng vẽ truyện tranh.

Một số nhà văn, nhà thơ thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ của Việt Nam vì nhiều lý do mà đã không được thế giới biết đến. Nhà xuất bản của Italy không biết những tác giả này, họ cũng không tìm được thông tin nào trong thư viện của họ.

Ví dụ như nhà thơ Y Phương với tác phẩm “Nói với con,” tôi đã phải thu thập những hình ảnh chất lượng thấp, còn vô cùng ít ỏi của bác, viết những bài tổng hợp thông tin về tác giả, quan điểm sáng tác và những tác phẩm tiêu biểu để gửi cho bên nhà xuất bản. Truyện thì chỉ nhắc đến các bác qua vài câu thơ mà tôi thì phải viết cả một bài luận dài để chú thích.

Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy một điều cũng hơi chạnh lòng, đó là vẫn còn rất nhiều người nước ngoài không biết gì về nước mình ngoài chiến tranh. "Mùa Hè bất tận" xuất hiện ở Italy đã làm cho nhiều bạn đọc ở đó ngạc nhiên là ở Việt Nam cũng vẽ truyện tranh.

Vậy "Mùa Hè bất tận" được độc giả tại Italy đón nhận như thế nào, thưa chị?

Tác giả Lâm Hoàng Trúc: Những độc giả hâm mộ truyện tranh trên thế giới đã quen với manga Nhật Bản và comic của Âu-Mỹ, gần đây có truyện của Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang nổi lên nhanh chóng nên một tác phẩm truyện tranh Việt Nam nguyên bản xuất hiện ở Italy là một điều bất ngờ và không phải là chuyện thường gặp.

Tuy nhiên, tác phẩm đã nhận được những phản hồi tích cực, các độc giả Italy đã review truyện rất nhiệt tình trên Instagram, Youtube, Twitter với nhiều lời khen ngợi khiến tôi cảm thấy “À, con đường này sẽ còn rất rộng mở đây.” Một quyển truyện nhỏ cũng có thể sẽ dẫn đến nhiều tác phẩm to lớn hơn sau này.

Hiện tại, Mùa Hè bất tận tiếng Italy đã được in 5.000 bản. Sau Mùa Hè bất tận, tôi đã giới thiệu thêm một số tác phẩm truyện tranh khác cho Nhà xuất bản Toshokan để chuẩn bị tạo lập một thương hiệu truyện tranh Việt đến với thế giới. Độc giả và Nhà xuất bản tại Italy cũng rất nhiệt tình đón nhận luồng gió nghệ thuật mới từ một đất nước Đông Nam Á vô cùng thú vị.

Theo tôi, những tác giả trẻ, những tác phẩm, tư tưởng mới mẻ, trẻ trung, khác biệt, đa văn hóa là những gì mà tất cả chúng ta đang cần và là những gì mà nghệ thuật luôn cần.

Ước mơ lan tỏa “chất Việt Nam”

Chị đánh giá thế nào về thị trường truyện tranh Việt ở thời điểm hiện tại?

Tác giả Lâm Hoàng Trúc: Tôi thấy thị trường truyện tranh Việt Nam hiện nay khá thuận lợi vì dần dần tinh thần dân tộc của độc giả ngày càng cao. Khi một tác giả nội địa có tác phẩm chất lượng có thể coi là bán được, đọc được thì độc giả rất ủng hộ.

Còn hạn chế thì cũng là hạn chế chung của tác giả ở khắp nơi chứ không chỉ ở Việt Nam. Ví dụ như nhuận bút không quá cao, chỉ có những tác giả bán được rất nhiều tác phẩm thì mới có tiền bản quyền nhiều chứ nhuận bút ở đâu cũng thấp cả. Rồi thì khó khăn khi phải cố gắng cân bằng chuyện đi kiếm sống với chuyện cá nhân. Trước khi nổi tiếng, có thu nhập thì ai cũng gặp khó khăn nên tôi không thấy có gì đặc biệt, theo tôi thì đây là hạn chế không ảnh hưởng quá nhiều đến việc sáng tác.

Chị nghĩ thế nào về sự ảnh hưởng của truyện tranh Hàn Quốc, Nhật Bản đến phong cách sáng tác của các họa sĩ Việt, điều này liệu có làm giảm đi yếu tố thuần Việt không?

Tác giả Lâm Hoàng Trúc: Theo tôi thì nghệ thuật ảnh hưởng lẫn nhau là chuyện rất bình thường, chúng ta cứ học hỏi lẫn nhau. Nghệ thuật không có biên giới.

Như cách tạo hình nhân vật, tôi học từ truyện manga mà ra, rồi cách tôi viết thoại, phân khung là học từ phim điện ảnh, cách viết câu chuyện là tôi học từ phim điện ảnh Hollywood, theo cuốn giáo trình của họ…

Không có thứ gì gọi là thuần một đất nước nào đó hết cho nên rất khó để có thứ gọi là thuần Việt hoàn toàn. Cũng giống như thuyết đại đồng, tất cả mọi người cộng tác, cùng nhau trao đổi những gì tinh túy nhất của họ lan tỏa ra khắp nơi không có biên giới, không có quốc gia. Vì thế, tôi không hề ủng hộ việc đóng cửa tầm nhìn để cố gắng đưa ra một sản phẩm thuần Việt.

Điều mà tôi muốn và cố gắng làm được là khi người nước ngoài đọc truyện của tôi, người ta sẽ thích đến mức muốn học tiếng Việt, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ đó là cách lan tỏa chất Việt Nam của tôi, người ta học ngôn ngữ của đất nước tôi thì người ta sẽ hiểu truyện của tôi hơn.

Vậy chị có dự định gì để tiếp tục gây ấn tượng về truyện tranh Việt Nam với độc giả thế giới?

Tác giả Lâm Hoàng Trúc: Về việc đưa tác phẩm của tôi ra thế giới thì đó là định hướng của tôi, luôn luôn có khi tôi bắt đầu viết. Tôi không giới hạn những giấc mơ của tôi mà luôn đặt ra những mục tiêu rất lớn để xem tôi đạt tới mức nào, tôi cứ cố gắng thử xem.

Ngay từ lúc bắt đầu viết, tôi cảm giác dù là độc giả nước ngoài hay độc giả Việt Nam thì cũng như nhau, nên tôi cố gắng viết để nhiều người có thể đọc được chứ không phân biệt độc giả trong nước và nước ngoài.

Tôi đang nghiên cứu thêm nhiều cách thể hiện mới như webcomic xem trình bày thế nào bởi lợi thế của webcomic là tiếp cận dễ dàng với độc giả. Tôi cũng đang làm một số dự án với các bạn nước ngoài, họ viết còn tôi vẽ. Bên cạnh đó, tôi cũng hợp tác làm một số truyện dài nữa nhưng còn khá nhiều công đoạn mới có thể hoàn thành.

Xin cảm ơn chị và chúc chị gặt hái thêm nhiều thành công!

vietnamplus.vn

Nội dung liên quan